Over 16,533,108 people are on fubar.
What are you waiting for?

Khi lợi thế cạnh tranh nằm ở nền tảng công nghệ thì điện toán đám mây là một xu thế quan trọng. Một số doanh nghiệp trong nước nắm bắt được xu thế này và đang chuyển mình, mở lối cho doanh nghiệp Việt.

Gõ từ tìm kiếm "máy chủ ảo" trên Google với phạm vi tìm kiếm tại Việt Nam, bạn sẽ thấy được khoảng chục kết quả tìm kiếm trả về, tương ứng với đó cũng có khoảng chục quảng cáo liên quan, gồm tên tuổi các công ty tương tự như kết quả SEO trên Google. Nói chung, kết quả tìm kiếm này khá mỹ mãn cho người dùng vì có được những chọn lựa dịch vụ cần thuê. Nhưng đối với một ngành công nghệ thì một chục kết quả tìm cùng với bằng đó quảng cáo cho thấy thị trường điện toán đám mây trong nước còn quá mới, chưa có tính cạnh tranh cao và là cơ hội để các công ty công nghệ, nhất là công ty khởi nghiệp đầu tư. PC World Vietnam đã tiếp cận một số doanh nghiệp trong nước sớm đầu tư vào điện toán đám mây để tìm hiểu sâu hơn về thị trường này.

datacenter-sbd
Một góc trung tâm dữ liệu của Sao Bắc Đẩu

Mới chỉ là bước khởi đầu

Trong vài năm qua, giới công nghệ luôn nhấn mạnh đến điện toán đám mây. Các quốc gia phát triển đã triển khai và ứng dụng điện toán đám mây ở mức phổ biến. Nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có nền kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào tiền mặt, thương mại điện tử mới chỉ chuyển mình thì việc người dùng chuyển mọi thứ lên một nền tảng hoàn toàn "vô hình" như điện toán đám mây vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Công ty PAVietnam mới chỉ xem mảng đầu tư vào điện toán đám mây như là giải pháp lấp chỗ trống cho dải sản phẩm/dịch vụ lâu nay của họ là phát triển trang web, tên miền và họ vẫn còn đang theo dõi thị trường. Còn công ty khởi nghiệp Long Vân 2 năm tuổi với định hướng cụ thể, hoàn toàn tập trung nguồn lực vào điện toán đám mây, cho thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) và máy chủ ảo hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sao Bắc Đẩu nhà cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp quy mô lớn, cũng không làm ngơ khi từ năm 2011, họ đã vạch ra lộ trình phát triển cho mảng kinh doanh điện toán đám mây nhắm đến mảng ngân hàng, tổ chức tài chính và bảo hiểm. ODS (Online Data Services) với vai trò nhà phân phối nền tảng ảo hóa Parallels, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ảo hóa cũng chỉ khoảng cách nay 3 năm... Theo ông Mạc Minh Hưng, phó giám đốc công ty cung cấp điện toán đám mây IDC Online có trụ sở tại Hà Nội, hiện trong nước chỉ mới có khoảng từ 5-7 doanh nghiệp thực sự kinh doanh điện toán đám mây mà thôi.

Ông Huỳnh Trọng Văn, CEO của ODS, tại trung tâm dữ liệu mà ODS cho các công ty cung cấp dịch vụ đám mây thuê.
Ông Huỳnh Trọng Văn, CEO của ODS, tại trung tâm dữ liệu mà ODS cho các công ty cung cấp dịch vụ đám mây thuê.

Việt Nam chỉ mới có một nửa đám mây

Google Docs, iCloud, Dropbox, Mediafire, game online và vô vàn ứng dụng trực tuyến mà chúng ta sử dụng bấy lâu nay đều là có bản chất là điện toán đám mây. Nhưng có một thứ chung: đa phần chúng đều từ nước ngoài, trừ vài cái tên (rất ít) như dịch vụ chia sẻ file Fshare (fshare.vn), Tên lửa (tenlua.vn)… Nhưng đây mới là một mặt của điện toán đám mây. Điện toán đám mây có thể được định nghĩa khác nhau, nhưng tạm chia thành 2 mảng lớn: nền tảng và ứng dụng.

Thị trường điện toán đám mây trong nước đến nay hầu như chỉ dừng lại ở một mảng – cung cấp dịch vụ nền tảng. Tại sao chỉ là một nửa? Theo ông Hưng, vì nhu cầu thực tế thị trường chưa đủ lớn để nhà cung cấp đầu tư, tức là số lượng khách hàng còn ít, trong khi khoản đầu tư khá lớn. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh của các phần mềm trực tuyến miễn phí ngoài nước và phần mềm trái phép. Song cũng đã có một số đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm tự xây dựng điện toán đám mây cho mình... Họ thấy được điểm lợi của công nghệ mới: Quản lý tập trung, chi phí cho hạ tầng và ứng dụng giảm đi 40% – 50%.

Với thị trường điện toán đám mây trong nước, theo IDC Online ước tính chỉ ở mức từ 3-5 triệu USD/năm. Từ đó thấy mảng ứng dụng điện toán đám mây chưa được khai thác tại Việt Nam là rất lớn. Ví dụ, dịch vụ email chạy trên nền điện toán đám mây của doanh nghiệp phải chi trả cho nhà cung cấp khoảng 1 USD/tháng, cộng thêm một số dịch vụ cộng thêm như Note, Contact, SMS... khoảng 2 USD/tháng, trung bình một nhân viên/người dùng chi khoảng 3 USD/tháng cho ứng dụng điện toán đám mây. Với một thị trường khoảng 4 triệu người, doanh nghiệp có thể đạt doanh thu 12 triệu USD/tháng, là con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp trong nước.

Ông Phạm Thành Nam, phó giám đốc kỹ thuật Sao Bắc Đẩu, chia sẻ một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt chưa đến với ứng dụng đám mây là vì đặc thù kinh doanh và thói quen của Việt Nam khác với nước ngoài. Lối suy nghĩ truyền thống, muốn giữ "tài sản" trong nhà và quan ngại đến việc phải chuyển dữ liệu kinh doanh nhạy cảm lên mây cũng là lý do. Một nguyên do khác còn ở phía các nhà phát triển ứng dụng trong nước. Ứng dụng Việt cho người tiêu dùng (không phải cho doanh nghiệp) mang dáng dấp "xuề xòa": chưa chỉn chu, hấp dẫn về giao diện, chưa mạnh mẽ và phong phú về tính năng, chưa đủ độ tin cậy nếu người dùng phải bỏ dữ liệu cá nhân lên đó. Thị trường outsource phần mềm tại Việt Nam từng ở giai đoạn bùng nổ và nay cũng có rất nhiều đơn hàng từ nước ngoài, nhưng phần mềm trong nước lại bị rơi vào cảnh "chợ chiều" vì thói quen dùng phần mềm lậu của chính người dùng. Thương mại điện tử trong nước cũng ở giai đoạn giao thoa, lai giữa giao dịch bằng tiền mặt và giao dịch trực tuyến qua hàng loạt dịch vụ thanh toán như Ngân Lượng, Bảo Kim, 123Pay… bên cạnh thẻ cào nạp tiền các loại. Những yếu tố trên có thể xem là một trong những rào cản đối với sự phát triển của thị trường ứng dụng điện toán đám mây trong nước

Tuy mảng ứng dụng cho đám mây hướng đến người dùng cuối chưa được nhiều doanh nghiệp phát triển trong nước chú trọng thì mảng ứng dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) lại có những tín hiệu lạc quan hơn. Từ một công ty phát triển phần mềm kế toán cho doanh nghiệp Việt, MISA sớm nhận diện tiềm năng của điện toán đám mây và tập trung phát triển sản phẩm theo hướng này. Phần mềm quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN được MISA phát triển nên nền tảng điện toán đám mây. Đến nay, theo MISA, trong số khoảng 70.000 khách hàng trong khối doanh nghiệp, có đến 30.000 khách hàng đã chuyển sang AMIS.VN và công ty đặt chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm 50% (Tham khảo: http://www.pcworld.com.vn/T1236749). Ngoài MISA, một số doanh nghiệp phần mềm khác cũng đang hướng đến đám mây và tập trung vào SMB như các PM kế toán của FAST, quản trị doanh nghiệp của ePacific, Lạc Việt, quản lý cửa hàng của EZ, HOSCO, quản trị doanh nghiệp của OneOffice, ASIA hay PM quản lý nhân sự của OOS (OOS.GHR), Hoàn Hảo, Thiên Hoàng (eHRM)...

Hệ thống tản nhiệt chuẩn công nghiệp cho trung tâm dữ liệu.
Hệ thống tản nhiệt chuẩn công nghiệp cho trung tâm dữ liệu.

Chí phí và quản trị

Ở mặt ứng dụng là vậy, nhưng ở mặt cơ sở hạ tầng, nền tảng, điện toán đám mây lại cho thấy rõ thế mạnh của nó và các doanh nghiệp kinh doanh trong nước đang làm khá tốt mảng này. Theo ông Nam, hai yếu tố mà doanh nghiệp cân nhắc để sử dụng dịch vụ đám mây là: chi phí và quản trị. Rõ ràng, chi phí đầu tư ban đầu cho một trung tâm dữ liệu hay một máy chủ ảo là bằng 0 và thời gian triển khai cũng gần như bằng 0. Bên cạnh đó, quản trị hạ tầng công nghệ trong doanh nghiệp không phải là việc dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp phải thuê cả đội ngũ chuyên viên để vận hành và quản trị hạ tầng của mình, phát sinh nhiều chi phí và phân tán nguồn lực, không tập trung được vào mảng kinh doanh chính. Nền tảng điện toán đám mây giải quyết nhanh gọn hai vướng mắc này, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong nước hay nước ngoài

Máy chủ ảo VPS (virtual private server), trung tâm dữ liệu ảo hóa (virtual data center), thậm chí máy để bàn ảo hóa (virtual desktop) và nhiều giải pháp kèm theo như sao lưu dự phòng, cân bằng tải, quản trị… đa phần đều được các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ. Thế mạnh của dịch vụ điện toán đám mây trong nước so với nước ngoài (như Amazon AWS, Microsoft Azure, IBM Cloud Computing, Google Compute Engine...) là những yếu tố dễ nhận thấy như: hỗ trợ dịch vụ rất tốt, không ảnh hưởng đường truyền Internet cáp quang quốc tế, băng thông cao (dĩ nhiên còn tùy vào nhà cung cấp dịch vụ đường truyền). Tuy vậy, giá cả của dịch vụ đám mây trong nước còn cao hơn gấp rưỡi so với các dịch vụ ở nước ngoài. Ví dụ, một thuê một máy chủ ảo VPS tại Việt Nam có cấu hình thấp nhất có mức giá trong khoảng 285.000 VNĐ/tháng (PAVietnam, chỉ áp dụng cho đăng ký 24 tháng), trong khi giá thuê một VPS của Digital Ocean 5 USD/tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt chưa có đưa ra cách tính phí theo giờ như phần lớn dịch vụ nước ngoài, mà chỉ tính trọn giá theo tháng. Do vậy, các khách hàng thuê VPS với mục đích phát triển ứng dụng, thử nghiệm dịch vụ, demo sản phẩm… trong khoảng thời gian ngắn và không cố định thường chuyển sang dùng dịch vụ nước ngoài.

Giá rẻ, rất sát với nhu cầu (bật VPS mới tính tiền theo giờ) và thanh toán dễ dàng, thuận tiện là điểm mạnh của dịch vụ đám mây nước ngoài. Lý giải cho việc chênh lệch giá khá cao như vậy, ông Nam cho rằng do những nhà cung cấp nước ngoài triển khai trung tâm dữ liệu của họ với quy mô rất lớn và nhiều nơi, do đó giảm được giá thành thuê mỗi VPS. So với Việt Nam, trung tâm dữ liệu nhỏ nên chi phí vận hành cao, đẩy giá thuê VPS cao.

Tuy vậy, đặc thù của lối kinh doanh Việt Nam lại có lợi thế riêng. Ngoài việc có băng thông trong nước cao và hỗ trợ kỹ thuật 24/7, ông Huỳnh Trọng Văn, CEO của ODS, là nhà cung cấp nền tảng cho các công ty kinh doanh dịch vụ đám mây, trong đó có VDO,Mắt Bão, Nhân Hòa... cho biết các công ty cung cấp dịch vụ đám mây thường bám sát theo nhu cầu của khách hàng và báo giá phù hợp với nhu cầu đó. Đồng thời, vì quy mô nhỏ, không có nhiều khách hàng như những hãng nước ngoài nên việc quản lí cũng đơn giản hơn. Ví dụ, với Digital Ocean, VPS 5 USD/tháng có ngưỡng băng thông 1TB/tháng, nếu bạn dùng quá mức này, hệ thống tự động ngắt kết nối đến VPS. Nhưng với nhà cung cấp trong nước, hầu như không quy định về ngưỡng băng thông vì đơn giản là nhân viên kỹ thuật sẽ "du di" cho khách hàng để giữ chân. Hầu hết các nhà cung cấp trong nước đều kèm những dịch vụ về quản lý (như cơ sở dữ liệu, phát triển website...) cho khách hàng nếu có nhu cầu ngay trên nền tảng hạ tầng mà họ thuê, trong khi công ty nước ngoài thường không làm vậy. Do đó, nếu thuê VPS ở nước ngoài, doanh nghiệp vẫn cần có thêm một đội ngũ làm CNTT.

Một lí do mà nhiều doanh nghiệp còn ngại chuyển lên mây là làm thế nào di chuyển dữ liệu từ hệ thống cũ lên đám mây mà không làm gián đoạn việc kinh doanh, quản lý. Tại điểm này, các công ty cung cấp dịch vụ đám mây trong nước mới thể hiện đúng giá trị của họ so với các dịch vụ ngoài nước. Họ sẵn sàng hỗ trợ và đưa ra các mô hình điện toán đám mây phù hợp, như đám mây lai (hybrid cloud) khi kết hợp giữa 2 hệ thống máy chủ đặt tại doanh nghiệp và máy chủ trên mây và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi hạ tầng công nghệ của doanh nghiệp.

4-118

Hạ tầng công nghệ

Do điện toán đám mây còn khá mới trong nước nên phần lớn các công ty cung cấp dịch vụ không xây dựng trung tâm dữ liệu và hạ tầng riêng để cung cấp giải pháp đám mây cho khách hàng. Thay vào đó, họ thường thuê lại hạ tầng của các tập đoàn viễn thông lớn như FPT Telecom, VNPT, Vietel và VDC. Họ thuê rack máy chủ và băng thông, tận dụng cơ sở hạ tầng về tản nhiệt, điện dự phòng, quản lý cơ sở vật chất của các tập đoàn. Hoặc như ODS ngoài việc cho thuê giải pháp nền tảng Parallels, họ cũng xây dựng trung tâm dữ liệu riêng để cho các công ty cung cấp dịch vụ thuê. Cách thuê hạ tầng viễn thông như vậy vừa tiết kiệm chi phí đầu tư xây mới, vừa tận dụng được băng thông của từng tập đoàn, đưa ra chọn lựa cho khách hàng tuỳ vào họ sử dụng đường truyền của nhà mạng nào.

Đa phần các công ty sử dụng các nền tảng ảo hoá phổ biến hiện nay như VMWare (IDC Online, Long Vân), Parallels (Mắt Bão, Nhân Hoà) và một số nền tảng ảo hoá nguồn mở khác như OpenStack, Xen... Theo ông Văn của ODS, nền tảng Parallels phù hợp hơn cho đối tượng người dùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các nền tảng khác vì phí bản quyền rẻ và tính năng phù hợp. Tuy vậy, phí bản quyền về nền tảng ảo hoá lại hầu như không tác động gì nhiều đến giá thuê máy chủ. Điểm đáng nói ở đây là các nền tảng ảo hoá đều cho phép công ty cung cấp dịch vụ tính phí người dùng theo giờ nhưng hiện chưa có công ty nào triển khai (mà chỉ đưa vào kế hoạch trong tương lai).

Rack Long Vân thuê tại một trong những tập đoàn viễn thông trong nước.
Rack Long Vân thuê tại một trong những tập đoàn viễn thông trong nước.

Tiềm năng doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). Theo cổng thông tin của Bộ Tư pháp, SMB trong nước sử dụng đến 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% tổng thu nhập quốc dân (GDP). Long Vân và IDC Online có khoảng 1.000 khách hàng, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vậy, theo ông Nam, Sao Bắc Đẩu không định nghĩa SMB theo cách thường nghĩ là dựa trên kích thước, nhân sự của doanh nghiệp, mà dựa trên dòng tiền vào/ra, doanh thu và băng thông Internet mà doanh nghiệp sử dụng. Ví dụ, một doanh nghiệp làm về thương mại điện tử với khoảng 10 nhân viên, nhưng số lượng khách hàng và lượng truy cập trang web thương mại điện tử của doanh nghiệp đó cao, thì đó vẫn được cho là doanh nghiệp lớn (không đưa ra mức doanh thu hay băng thông cụ thể).

Do vậy, doanh nghiệp SMB có thể nói là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam đối với điện toán đám mây. Hai lí do quan trọng để SMB đến với điện toán đám mây như đề cập trên là: chi phí và quản lý hạ tầng công nghệ, cũng là 2 vấn đề lớn mà SMB Việt Nam đang đối mặt.

Đồng thời, một xu hướng tiêu dùng khác tác động đến việc tiếp cận đến điện toán đám mây là giá trị của dịch vụ đang dần lớn hơn giá trị sản phẩm. Người dùng và doanh nghiệp đang chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ, ngược lại chi ít tiền hơn cho sản phẩm nói chung, không riêng gì công nghệ. Microsoft không còn bán bản Microsoft Office được đóng gói (như Office 2010, 2013...), ở mức giá cao nữa mà chuyển sang bộ Office 365 tính phí theo tháng với mức giá dễ chấp nhận hơn (5 USD/tháng cho bản Business Essentials). Điện toán đám mây cũng vậy, doanh nghiệp không phải đầu tư một hệ thống máy chủ hay TTDL với số tiền lớn và rủi ro cao, mà họ có thể trả theo từng tháng, với số tiền ít hơn nhiều và rủi ro thấp. Vì vậy, SMB dễ dàng tập trung nguồn lực vào kinh doanh. Đó là chưa kể khả năng linh động trong quản lý, theo dõi và làm việc từ xa trên mọi thiết bị có kết nối Internet.

Điện toán đám mây xoá bỏ không gian, là bàn đạp thuận lợi cho SMB, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như những doanh nghiệp lớn muốn tiết giảm chí phí đầu tư và quản lý hạ tầng. Xu hướng lên điện toán đám mây là rõ ràng, vấn đề còn lại tuỳ thuộc vào doanh nghiệp có sẵn lòng mạnh dạn tiến lên mây hay không mà thôi.

5-106

 

Theo pcworld.com.vn

Nguồn: http://maychugiare.com/dien-toan-dam-may-tai-viet-nam-mot-nua-chang-duong/

 

Leave a comment!
html comments NOT enabled!
NOTE: If you post content that is offensive, adult, or NSFW (Not Safe For Work), your account will be deleted.[?]

giphy icon
last post
9 years ago
posts
14
views
1,663
can view
everyone
can comment
everyone
atom/rss

other blogs by this author

official fubar blogs
 8 years ago
fubar news by babyjesus  
 13 years ago
fubar.com ideas! by babyjesus  
 10 years ago
fubar'd Official Wishli... by SCRAPPER  
 11 years ago
Word of Esix by esixfiddy  

discover blogs on fubar

blog.php' rendered in 0.0918 seconds on machine '190'.